Tình hình kinh tế – xã hội hai tháng đầu năm nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ 2024, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng.

Sáng 5/3, báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 2, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các định chế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế tăng niềm tin vào triển vọng của nền kinh tế.

Theo ông, tình hình kinh tế – xã hội 2 tháng đầu năm nhiều kết quả tích cực, tốt hơn tháng trước và cùng kỳ 2024. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng tăng 3,72% so với cùng kỳ. Cán cân thương mại thặng dư gần 1,5 tỷ USD. Tổng vốn FDI đăng ký hơn 6,9 tỷ USD, tăng 35,5% so với cùng kỳ, trong khi vốn thực hiện gần 3 tỷ USD.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 tăng 16,7% so với cùng kỳ. Nhà điều hành tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xử lý vướng mắc, đẩy mạnh các dự án hạ tầng trọng điểm, động lực tăng trưởng mới.





Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, ngày 5/3. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ, ngày 5/3. Ảnh: VGP

Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thừa nhận các động lực tăng trưởng chưa bứt phá rõ nét. Cùng với đó, sức ép cạnh tranh gia tăng ở thị trường xuất khẩu và trong nước, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.

Chủ trì phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng thời điểm này, công việc rất nhiều, trong khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp. Ông chỉ ra cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt, một số nước điều chỉnh chính sách thương mại, nhất là thuế, ảnh hưởng tới thương mại, cung cầu toàn cầu.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương không chủ quan trước diễn biến bên ngoài, nhất là khi sự phục hồi của kinh tế thế giới còn yếu. Bởi Việt Nam là nước đang phát triển, quy mô nền kinh tế khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu với các cú sốc bên ngoài hạn chế.





Chính phủ họp thường kỳ tháng 2 về kinh tế xã hội, ngày 5/3. Ảnh: VGP

Chính phủ họp thường kỳ tháng 2 về kinh tế xã hội, ngày 5/3. Ảnh: VGP

Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng từ 8% trở lên, tạo đà cho mức tăng trưởng hai chữ số những năm tới. Việt Nam xác định đẩy mạnh các đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực, tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin – cho, giảm thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Nhà điều hành dự kiến giảm 30% thủ tục và chi phí kinh doanh.

Để đạt mục tiêu, Bộ Tài chính đề xuất các bộ ngành, địa phương ổn định tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt. Các cơ quan cần khắc phục tình trạng chậm ban hành văn bản để hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư.

Bộ Tài chính dự kiến trình cấp có thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất năm 2025 trước ngày 15/3. Họ cũng hoàn thiện phương án phát hành trái phiếu Chính phủ trong quý I, để bổ sung nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm.

Cơ quan này đề xuất Ngân hàng Nhà nước có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng. Ngành ngân hàng cần chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát, giảm thủ tục, điều kiện cho vay và đẩy nhanh vốn tín dụng với các lĩnh vực tạo động lực cho tăng trưởng, nhất là tăng trưởng xanh. Việc xây dựng gói tín dụng cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở cần được nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng trong quý II.

Bộ Công Thương tăng xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, đẩy nhanh đàm phán, ký FTA mới với Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy… Cơ quan này được yêu cầu chủ động giải pháp phòng vệ thương mại, nghiên cứu mô hình “cảng miễn thuế” để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn, tăng phân phối hàng hóa qua nền tảng số.

Phương Dung



By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *