Bộ Công Thương công bố giá cơ sở và giá bán dựa trên số liệu các yếu tố đầu vào, thay vì tổ liên ngành Tài chính – Công Thương cùng điều hành như hiện nay.
Nội dung này nêu tại Thông tư 18 được Bộ Công Thương ban hành ngày 13/3. Theo đó, từ ngày 2/5, Bộ Công Thương công bố giá cơ sở, giá bán dựa trên số liệu các yếu tố đầu vào và ý kiến tham gia điều hành của Bộ Tài chính bằng văn bản.
Các mặt hàng nhiên liệu sẽ được Bộ Công Thương công bố giá, gồm xăng sinh học, xăng khoáng RON 95-III và các mặt hàng dầu (diesel, dầu hỏa, mazut).
Như vậy, cơ chế điều hành giá xăng dầu thay đổi, không còn tổ liên ngành Tài chính – Công Thương như hiện nay.
Trước năm 2014, Bộ Tài chính từng là cơ quan chủ trì, đảm trách việc tính toán, điều hành và công bố giá bán lẻ xăng dầu. Sau đó, theo Nghị định 83/2014, việc điều hành, công bố giá được giao Bộ Công Thương chủ trì, còn Bộ Tài chính phối hợp tính toán các chi phí xăng dầu trong công thức tính giá cơ sở. Hai Bộ cũng thành lập tổ liên ngành điều hành, công bố giá xăng dầu định kỳ.
Tuy nhiên, không ít lần hai Bộ “đùn đẩy” trong điều hành giá nhiên liệu. Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 10/2022, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công Thương, gồm điều hành giá, chi phí kinh doanh định mức… Sau đó, Bộ Công Thương nêu đề xuất ngược lại – chuyển về Bộ Tài chính “để đúng chuyên môn, nhiệm vụ”. Tuy nhiên, Bộ Tài chính từ chối, cho rằng cơ quan này chỉ thanh, kiểm tra, nên giao thống nhất đầu mối quản lý giá xăng dầu về Bộ Công Thương.
Bên cạnh hai cơ quan này, xăng dầu còn do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu.
Ngoài điều hành, Thông tư 18 cũng bỏ quy định về cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Cơ quan quản lý bổ sung quy định về báo cáo tình hình sử dụng kho xăng dầu áp dụng với thương nhân đầu mối, phân phối có kho cho thuê và đi thuê. Các thương nhân này phải gửi báo cáo hàng quý về Bộ Công Thương, Sở Công Thương với các nội dung như tổng dung tích kho, thương nhân thuê, dung tích cho thuê, sản lượng xăng dầu qua kho trong kỳ.
Sở Công Thương sẽ kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng thuê kho, sản lượng xăng dầu nhập, xuất qua kho của thương nhân đi thuê kho trên địa bàn.
Cùng với đó, thương nhân đầu mối phải đảm bảo tiến độ nhập khẩu hoặc mua xăng dầu trong nước. Trường hợp cần thiết, Bộ Công thương quy định cụ thể tiến độ nhập khẩu, mua xăng dầu trong nước hoặc điều chỉnh tăng tổng nguồn xăng dầu tối thiểu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Phương Dung